Blog Events

Hội thảo – Phát thải khí mê-tan từ đồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long

Chiều ngày 13/01, Tập đoàn Mỹ Lan (tọa lạc tại Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) tổ chức tọa đàm chủ đề “Phát thải khí mê-tan từ đồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Đại biểu dự buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mỹ Lan; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực viễn thám, công nghệ vũ trụ; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các viện, trường đại học…

Tại buổi tọa đàm, diễn giả chia sẻ các nội dung: tổng quan về đài quan sát khí hậu không gian CNES, mục tiêu và phương pháp thực hiện Dự án VietSCO (giám sát, đánh giá tác động của khí hậu và áp lực của con người đối với việc trồng lúa), công cụ giám sát, thiết kế bản đồ phát thải khí mê-tan, phát thải khí mê-tan trên ruộng lúa đồng bằng sông Cửu Long, trình bày về phương pháp đo mực nước và khí mê-tan phát thải trên đồng ruộng… Đồng thời, thảo luận, chia sẻ những khó khăn và hướng khắc phục trong quá trình triển khai đo phát thải khí mê-tan và phương pháp điều chỉnh sản xuất giúp giảm phát thải khí mê-tan.

TS Lê Toàn Thủy, chuyên gia nghiên cứu viễn thám radar cho các ứng dụng trên đất liền trình bày về Dự án VietSCO (giám sát, đánh giá tác động của khí hậu và áp lực của con người đối với trồng lúa).

Theo các diễn giả tham gia tọa đàm, việc giảm thiểu phát thải khí mê-tan từ các hoạt động của con người được xem là chiến lược ngắn hạn, hiệu quả và ít tốn kém nhất, giúp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030.

Tại Việt Nam, việc đầu tiên và cần thiết là giảm phát thải khí mê-tan từ những cánh đồng lúa. Với mục đích này, dự án MERIMEE (phát thải khí mê-tan từ cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long) đã được tiến hành từ tháng 02/2024, góp phần giám sát, đánh giá tác động của khí hậu và áp lực của con người đối với việc trồng lúa.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ thông tin về phát thải khí mê-tan trên ruộng lúa đồng bằng sông Cửu Long và cách hạn chế phát thải.

Mục tiêu của dự án MERIMEE là sử dụng dữ liệu viễn thám để mở rộng thông tin thu thập từ quan sát hiện trường và các thiết bị đo lường bằng công nghệ IoT trên một vùng rộng lớn như đồng bằng sông Cửu Long và ước tính phát thải khí mê-tan trên từng đồng lúa. Các thông tin này được sử dụng cho mục đích kiểm soát phát thải khí mê-tan và cho phép người dùng có khả năng mô phỏng các kịch bản khác nhau để giảm phát thải khí mê-tan bằng cách thay đổi phương pháp tưới tiêu trong canh tác lúa.

Hội thảo nhằm công bố những kết quả đạt được sau năm đầu tiên vận hành của dự án, đồng thời ghi nhận những ý kiến phản hồi từ các bên quan tâm, từ đó xác định rõ hơn hướng đi phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Diễn giả thảo luận, trình bày các nội dung giúp giảm phát thải khí mê-tan.

Trong khuôn khổ các hoạt động tọa đàm, ngày 14, 15/01, Tập đoàn Mỹ Lan tiếp tục tổ chức cho đại biểu tham gia phiên ứng dụng, phiên họp kỹ thuật và tham quan thực địa nhằm chuẩn bị cho việc sử dụng vệ tinh trong hoạt động giám sát và ước tính lượng phát thải khí mê-tan, đánh giá phát thải khí mê-tan trên đồng ruộng tại Trà Vinh.

Tin, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn: https://www.baotravinh.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/phat-thai-khi-me-tan-tu-dong-lua-tai-dong-bang-song-cuu-long-42752.html