Blog

Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số: Phải chính xác, không thể chung chung

Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình Quốc gia Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra tám lĩnh vực kinh tế ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. TS. Nguyễn Thanh Mỹ – Giám đốc điều hành RYNAN Technologies và Mỹ Lan Group đã có buổi chia sẻ với KH&PT về chủ đề này.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh: Mỹ Hạnh

Xin ông cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp nên được hiểu như thế nào?Đây là một vấn đề rất lớn trong nông nghiệp Việt Nam. Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý và điều hành nhằm tối ưu hóa các hoạt động của chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ vật tư đầu vào, đến canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phát triển bền vững và tạo ra giá trị mới.

Công nghệ số và công nghệ thông tin và truyền thông thường bao gồm cảm biến kết nối internet còn gọi là thiết bị IoT, tiếp đến là viễn thám, trí tuệ nhân tạo để dự báo, chuỗi khối (blockchain) để truy xuất nguồn gốc, ứng dụng trên điện thoại di động hoặc phần mềm phục vụ, cuối cùng là kết nối số (chẳng hạn như các nhóm liên lạc trên các nền tảng như Zalo, Viber,…). Thông thường, sáu công nghệ này được ứng dụng rất nhiều trong chuyển đổi số nông nghiệp cũng như thủy sản.

Chúng ta đã biết chuỗi giá trị nông sản gồm có bảy phân khúc, bắt đầu từ vật tư đầu vào, giống (con, hạt và cây), canh tác, thu gom, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Chuỗi giá trị này cũng gắn với tám tác nhân: những doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, doanh nghiệp cung cấp giống, nông dân nuôi trồng, thương lai thu gom, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng, và cơ quan quản lý nhà nước. Một chuỗi như vậy gọi là chuỗi giá trị thực. Chuyển đổi số có nghĩa là tất cả những phân khúc và dữ liệu từ những phân khúc đó đều được đưa lên các “đám mây”, do đó sẽ cần thêm những nhà nghiên cứu, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, dịch vụ lưu trữ dữ liệu, và dịch vụ quản lý dữ liệu.

Cần mang nền nông nghiệp ở thế giới thực đó lên thế giới ảo vì hiện nay mọi thứ cần được tự động, mình phải làm sao để các công cụ ở thế giới thực tương tác được với thế giới ảo.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ

Vậy thì hiện nay, chuyển đổi số dành cho ai? Ai là người sử dụng kết quả chuyển đổi số đó, nhà nước hay doanh nghiệp, hay người nông dân, hay người tiêu dùng? Mỗi “ông” mỗi khác và muốn một thứ khác nhau. Do đó, phải rất chính xác chứ không thể nói chuyển đổi số chung chung cho vui.

Hiện nay, quyết định 749 nêu rất rõ mục tiêu đến 2025 là chuyển đổi số cho nhà nước, sau đó mới mở ra cho nông dân. Vì việc đầu tiên là nhà nước phải quản lý trước, phải biết chuyển đổi số là gì và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Do đó, hiện nay chúng tôi làm chuyển đổi số cho Bộ và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chính.

Một quy trình chuyển đổi số sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Quy trình chuyển đổi số sẽ gồm có ba phần. Phần một là số hóa dữ liệu (digitization) – chuyển đổi dữ liệu trên giấy, hình ảnh và âm thanh qua dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính. Phần hai là số hóa quy trình (digitilization) – tích hợp những thiết bị thông minh vào mọi hoạt động của một tổ chức như trang trại, sở nông nghiệp hay phòng chăn nuôi thú y để nó tự động thu thập dữ liệu. Phần ba là điều hành số (digital operation) – sử dụng công cụ như ứng dụng di động hoặc phần mềm để quản lý, điều hành và tự động thu thập dữ liệu.

Dữ liệu là tài sản và nó khác với tài sản truyền thống, dữ liệu càng chia sẻ thì càng có giá trị. Giá trị đó bằng số lượng dữ liệu nhân với chất lượng dữ liệu và cho hàm số mũ số lần chia sẻ. Nhưng hiện nay khi nói chuyển đổi số thì ai cũng nói là “tôi sẽ làm chủ dữ liệu”. Không, tôi không muốn làm chủ dữ liệu, tôi quan tâm người nào sử dụng dữ liệu. Nếu làm chủ dữ liệu mà không biết sử dụng thì chỉ tốn ổ cứng, tốn tiền thôi.

Ao nuôi tôm siêu thâm canh giàu oxy công nghệ số. Ảnh: NVCC

Do đó, khi nói chuyển đổi số, tôi sẽ hỏi anh lắp đặt thiết bị thu thập dữ liệu tự động chưa, bởi thông thường người ta chỉ nói tới ứng dụng di động thôi. Đâu phải vậy, có nhiều thứ lắm. Ví dụ như có ứng dụng di động để coi sâu rầy mà không có những trạm giám sát sâu rầy thì làm sao mà coi. Phần tốn kém nhiều nhất là phần đầu tư cho những thiết bị thông minh để tự động thu thập dữ liệu. Nhưng ở Việt Nam, cái đó lại là cái yếu nhất. Nếu như cứ mua những cảm biến từ nước ngoài về thì mình đâu có lập trình và tích hợp vô mạng lưới của mình được. Do đó, doanh nghiệp của chúng tôi tập trung nghiên cứu và sản xuất những thiết bị thông minh, phải tự chế tạo thiết bị thì mới tích hợp vào mạng lưới các hệ sinh thái của mình thì mới được. Đây là điều khó nhưng là cơ hội lớn của mình. Chúng tôi cũng đã xây dựng một nền tảng điện toán đám mây tích hợp các thiết bị thông minh và tự động dữ liệu, gọi là VDAPES.

Xin ông chia sẻ thêm về nền tảng điện toán đám mây VDAPES này?

VDAPES (Vietnam Digital Agriculture Platform Eco System) là Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam, bao gồm những phần mềm, những thiết bị thông minh từ không gian cho tới không trung, mặt đất, mặt nước. Thông thường, một nền tảng điện toán đám mây gồm có mạng lưới IT, máy chủ, ứng dụng mobile, máy tính bảng, cơ sở dữ liệu, lập trình. Tuy nhiên, nền tảng cho nông nghiệp số thì phải có thêm mạng lưới IoT thì mới thu thập được dữ liệu. Do đó, chúng tôi xây dựng thêm SAGWIN (viết tắt cho chữ Space Air Ground Water Integrated Network) – một nền tảng điện toán đám mây liên kết các thiết bị và dữ liệu trong không gian, không trung, mặt đất, mặt nước, trong đó: trong không gian là dữ liệu viễn thám (dữ liệu mở của trung tâm không gian châu Âu và NASA), trong không trung là các drone (máy bay không người lái) hoặc các radar, trên mặt đất là các trạm giám sát sâu rầy; và trên mặt nước là các phao quan trắc. Đây đều là những thiết bị tự động thu thập dữ liệu – một yếu tố rất quan trọng trong số hóa quy trình.

Một nền tảng điện toán đám mây bao gồm ba lớp. Lớp đầu gọi là dịch vụ hạ tầng IaaS, gồm có mạng lưới IT, mạng lưới IOT (SAGWIN), máy chủ. Tiếp đó là dịch vụ nền tảng PaaS, từ những ứng dụng đi động ví dụ như ứng dụng truy xuất nguồn gốc hay ứng dụng nuôi tôm. Lớp thứ ba là dịch vụ phần mềm SaaS dành cho người sử dụng như các Sở NN&PTNT, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.

Hiện nay nền tảng điện toán đám mây này của chúng tôi liên kết rất nhiều nền tảng như nền tảng canh tác lúa, nuôi tôm, tưới tiêu ngập khô xen kẽ giảm phát thải khí nhà kính, giám sát côn trùng. Tất cả đều nằm chung trong hệ sinh thái VDAPES này.

Chúng tôi đã thử nghiệm áp dụng hệ sinh thái này để chuyển đổi số nông nghiệp ở Đồng Tháp. Nền tảng đã số hóa dữ liệu canh tác lúa, dữ liệu thủy lợi, quy trình quản lý thủy lợi (trong đó mạng lưới các cống nước và trạm bơm có thể vận hành tự động với giải thuật trí tuệ nhân tạo), đồng thời quản lý canh tác lúa với dữ liệu viễn thám, theo dõi ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính, canh tác lúa ngập khô xen kẽ,…

Chẳng hạn, ở Đồng Tháp, người ta quản lý canh tác lúa theo từng ô bao, trong 1337 ô bao có 300 ô bao để trồng cây ăn trái, còn lại là canh tác lúa, mỗi ô bao chỉ được canh tác một loại lúa thôi. Khi áp dụng nền tảng này, tất cả dữ liệu về một ô bao – từ bờ đê, chu vi, độ cao, con kênh hay con đường nào tới đó – đều sẽ được số hóa và chúng ta có thể biết ngay. Trước đây, các dữ liệu này nằm trên giấy, bây giờ chỉ cần click vào màn hình là nhận được thông tin. Sau khi số hóa dữ liệu, chúng tôi số hóa quy trình bằng cách tích hợp các giải thuật trí tuệ nhân tạo để các cống nước có thể tự động vận hành. Bên cạnh đó, các dữ liệu từ viễn thám cũng giúp nhận biết diện tích lúa sắp gặt, diện tích lúa mới xuống giống,… Như vậy, ví dụ như bây giờ có một công ty muốn vào mua 10,000 tấn lúa ST25, hệ thống sẽ có thể cho biết ngay lúa đó ở ô bao nào, do hộ nông dân nào đang canh tác.

Chúng tôi cũng đã tập huấn cho hơn 1,000 cán bộ nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Chuyển đổi số phải bao gồm đào tạo người sử dụng công cụ số nữa chứ không phải chỉ là ứng dụng không. Thế nên chuyển đổi số cho ai, chuyển đổi số cái gì, phải rất chính xác chứ không thể chung chung.

Được biết, RYNAN còn có các sản phẩm khác cho nông nghiệp bên cạnh những thiết bị thông minh tích hợp trong nền tảng điện toán đám mây, vậy những sản phẩm này có nằm ngoài hệ sinh thái nông nghiệp của công ty?

Tất cả đều nằm ở trong hệ sinh thái. Chẳng hạn như phân bón thông minh thì sẽ nằm trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, nằm trong việc canh tác lúa ngập khô xen kẽ. Tóm lai, hệ sinh thái nông nghiệp của chúng tôi gồm có các vật tư đầu vào, các thiết bị thông minh, và các phần mềm cùng ứng dụng.

Bên cạnh đó, RYNAN lựa chọn lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và phát triển tinh gọn theo mô hình hệ sinh thái các công ty đáp ứng nhu cầu trên thị trường vừa bổ trợ vừa chia sẻ nguồn lực, khách hàng cho nhau.

Nếu RYNAN Technology được coi là cơ quan đầu não nơi tập trung các nghiên cứu phát triển quan trọng của công ty mới từ các loại máy phục vụ cho nuôi trồng, chế biến, cung cấp giải pháp trọn gói từ đồng ruộng lên đến bàn ăn thì RYNAN Agrifood, RYNAN Smart Fertilizers lại là nơi thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ RYNAN Technologies Vietnam. Phần hiện thực hóa các hoạt động lắp đặt chế tạo máy móc thuê ngoài tại chính công ty mẹ Mỹ Lan vốn có những thế mạnh về sản xuất các loại máy, nguồn nhân lực và quy trình công nghệ khép kín.

Các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam thường ra đời một cách đơn lẻ và tham gia vào thị trường theo kiểu “lấp đầy chỗ trống”, vậy tại sao ông nghĩ đến việc xây dựng một hệ sinh thái như vậy?

Nếu bạn đến xem các ao nuôi tôm thâm canh, bạn sẽ thấy các ao này có quạt sục không khí. Cái này vừa sai về vật lý, vừa sai về sinh học vì không khí nặng hơn nước. Nếu tìm cách chế ra cái quạt ít tốn điện hơn thì cũng không đem lại hiệu quả mà cần phải tìm phương pháp không sử dụng những cái quạt này. Tương tự như vậy, nếu một cái hộp đã không tốt rồi thì mình phải tạo ra một cái hộp khác, chứ không thể tối ngày tìm cách hoàn hảo hóa một cái hộp đã có vấn đề hay cứ đi lấp đầy chỗ trống.

Đó là lý do người ngoại đạo như tôi nhìn vào và thấy phải thay đổi, phải đưa ra một mô thức mới, một hệ sinh thái mới. Đồng thời, cần mang nền nông nghiệp ở thế giới thực đó lên thế giới ảo vì hiện nay mọi thứ cần được tự động, mình phải làm sao để các công cụ ở thế giới thực tương tác được với thế giới ảo.

Vậy quá trình làm như thế nào? Việc đầu tiên là mình nhìn một cách tổng quát, chẳng hạn như nhìn thấy việc nuôi con tôm cần phải có cái gì, tức là mình phải muốn thay đổi cái đó đã, rồi khi bắt tay vào mới bắt đầu làm từng chi tiết bị thiếu trong đó.

Việc sáng tạo những cái mới đôi khi nó cũng bùng phát, nhưng có ý tưởng là làm liền. Làm về nông nghiệp cực lắm, nhưng xã hội phân công cho tôi phải cực, và tôi có động lực để làm.

Người nông dân sẽ được hưởng lợi như thế nào từ những hệ sinh thái như vậy?

Trước hết là những giá trị mới, ví dụ như nhờ hệ thống, người nuôi tôm ngồi ở nhà cũng sẽ biết được trước tôm bệnh như thế nào để ngăn ngừa trước. Đồng thời, nó cũng góp phần phát triển bền vững, bởi mình sẽ biết trước được những gì xảy ra và tránh được tối đa các thiệt hại.
Chẳng hạn như trước đây, để giám sát sâu bệnh trên cây lúa, nhân viên của phòng nông nghiệp địa phương thường sử dụng bẫy đèn truyền thống để dẫn dụ côn trùng, ban đêm bật đèn, đến sáng thì tắt đèn và lấy côn trùng về… đếm và xác định từng loại một. Còn khi có hệ thống giám sát sâu rầy trong hệ sinh thái, thiết bị có thể tự động dẫn dụ, xác định, thống kê số lượng, mật độ và phân loại các chủng sâu rầy cũng như xem loại côn trùng nào có lợi hay có hại và trả kết quả về dưới dạng biểu đồ trực quan, thể hiện rõ tương quan giữa sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, từ đó giúp người nông dân có cái nhìn tổng quát và nhanh chóng về mức độ cân bằng của hệ sinh thái ngay trên điện thoại thông minh mà không phải ra tận cánh đồng. Đồng thời, hệ thống cũng đưa ra các cảnh báo, dự báo về tình hình sâu rầy trên cánh đồng để người dân xác định có cần phun thuốc hay không và lựa chọn phương thức xử lý kịp thời thông qua phần mềm quản lý VDAPES.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Mỹ Hạnh thực hiện

Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/he-sinh-thai-nen-tang-nong-nghiep-so-phai-chinh-xac-khong-the-chung-chung/20230406083317120p1c160.htm