Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cùng Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác để thực hiện việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tỉnh này.
Buổi lễ lý kết nêu trên được thực hiện tại hội nghị công bố ngày chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, diễn ra vào chiều nay, 10-10, ở địa phương này.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc ký kết nêu trên nhằm phát huy thế mạnh của hai bên để hợp tác trên lĩnh vực chuyển đổi số ngành nông nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, giúp phục vụ hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và của Rynan.
Ngoài ra, việc hợp tác này cũng để xây dựng mối liên kết, chia sẻ tiềm lực, phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, khai thác tối đa nguồn lực và điều kiện sẵn có của hai bên. Qua đó, hướng đến kết nối, mở rộng hợp tác đến các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Về nội dung của việc ký kết hợp tác, theo ông Thiện, đơn vị này và Rynan Technologies Vietnam sẽ thực hiện hai nội dung lớn, thứ nhất là hợp tác triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và thứ hai là hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp.
Đối với nội dung thứ nhất, Rynan và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp sẽ phối hợp để xây dựng kế hoạch, xác định phạm vi, chỉ tiêu phù hợp cho nền tảng chuyển đổi số ngành nông nghiệp Đồng Tháp thông qua các giải pháp, nền tảng công nghệ, thiết bị thông minh của Rynan để sử dụng đến năm 2025; triển khai giai đoạn thử nghiệm trong năm 2022 và tiến tới hoàn thiện hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số tại tỉnh Đồng Tháp trong năm 2023 hoặc sớm hơn tùy vào điều kiện thực tế.
Đối với nội dung thứ hai, Rynan và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp sẽ phối hợp trong việc hỗ trợ, tư vấn các giải pháp để tăng cường ứng dụng cơ giới hoá tiên tiến trong nông nghiệp tại Đồng Tháp; phối hợp với nhau trong việc triển khai các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển giao phương thức, kỹ thuật tiên tiến nhằm xây dựng các chuỗi ngành hàng và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp.
Tại hội nghị này, ông Thiện cho rằng, trước khi xây dựng đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp cũng đã áp dụng một số hệ thống số hóa, chuyển đổi số theo cấp quản lý ngành để làm cơ sở từng bước tích hợp vào nền tảng dữ liệu số lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, đã ứng dụng công nghệ GIS để quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo dịch hại nhằm chủ động phòng chống hiệu quả; ứng dụng phần mềm dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 dành cho hệ thống chuyên ngành bảo vệ thực vật. “Từ đó, cấp quản lý có thể truy xuất dữ liệu phục vụ ra thông báo, báo cáo chuyên ngành thay thế phần lớn cách tổng hợp, báo cáo truyền thống trước đây”, ông cho biết.
Ngoài ra, còn áp dụng phần mềm quản lý mã số vùng trồng Accompany và trang vdapes.com, giúp thiết lập mã số vùng trồng nhanh hơn, định vị chính xác, đồng bộ tại các huyện, thành phố bằng việc định vị online, giúp cơ quan quản lý thống kê tổng hợp nhanh về diện tích, loại cây được cấp mã số vùng trồng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS (Viet Nam Animal Health Information System) trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Song song đó, theo ông Thiện, bước đầu đơn vị này đã tiếp cận hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi https://csdlchannuoi.mard.gov.vn, hiện đang chờ hướng dẫn của Cục Chăn nuôi để triển khai áp dụng trên địa bản tỉnh.
Còn với lĩnh vực thuỷ lợi, ông Thiện cho biết, hạ tầng thuỷ lợi đã được số hoá và ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý giám sát, theo dõi sạt lở bờ sông; lắp đặt 16 trạm cảnh báo sớm giông sét trên địa bàn 12 huyện, thành phố; xây dựng 2 trạm đo mực nước tự động trên địa bàn xã Tân Quới, huyện Thanh Bình và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông.
Ngoài ra, cũng đã ứng dụng hệ thống thông tin, phần mềm quản lý, hệ thống giám sát…, trong lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực kinh tế hợp tác và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương xem chuyển đổi số là động lực, là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế – xã hội và mong muốn tạo ra chuyển biến mới đối với tỉnh.
Vì vậy, theo ông Nghĩa, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số và UBND tỉnh đã xây dựng đề án chuyển đổi số. “Đây là bước đột phá lớn của tỉnh”, ông nhấn mạnh và cho biết, trước mắt tỉnh sẽ tập trung vào 3 trụ cột, bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó, chọn 3 lĩnh vực trọng tâm là nông nghiệp, giáo dục và y tế để tạo sự lan tỏa, hướng về người dân làm cốt lõi để phục vụ.