Blog

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nuôi tôm kiếm thêm tiền dưới tấm pin mặt trời

Các tấm pin mặt trời ở phía trên, nhưng phía dưới là những nguồn hoa lợi mới. Trùn quế thích hợp với nơi ánh sáng vừa phải, độ ẩm tốt. Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện của trung tâm, cho biết các bể nuôi dưới các tấm pin mặt trời tận dụng diện tích trống, có độ sáng phù hợp và được trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm.

1. Trang trại điện mặt trời khoảng 3.000 mét vuông ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái thuộc tỉnh Bình Thuận đang vận hành theo mô hình khép kín của kinh tế tuần hoàn. Trong mô hình này của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trùn quế tạo vòng khép kín khi tiêu hóa các loại rác nông nghiệp, như vỏ dưa lưới hay vỏ chuối, và sau đó sẽ tạo ra loại phân vi sinh, hoàn toàn không mùi. Còn trùn quế có thể là nguồn thức ăn trực tiếp cho cá, gia cầm hay gia súc.

Dàn mái điện mặt trời tại một trang trại nuôi tôm ở Bạc Liêu.

“Trang trại theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hoàn toàn không có phế phẩm. Đầu ra của quá trình này sẽ là nguyên liệu cho quá trình tiếp theo”, ông Khánh nói.

Hiện trung tâm bán trùn quế với giá hơn 60.000 đồng/ký và phân hữu cơ với giá 2.500 đồng/ký. Ông Khánh nói sắp tới trung tâm sẽ nghiên cứu mô hình xử lý rác thải gia đình bằng cách dùng trùn quế.

2. Nuôi tôm mà bán tôm là bình thường. Ở mô hình của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc của Rynan Technologies, nông dân có thể kiếm đến “ba tầng lợi nhuận”. Tầng dưới là ao vèo (ao đắp nổi) nuôi tôm thì quá phổ biến rồi. Tầng trên cùng lắp các tấm quang năng để bán điện, dễ làm mà… đang khó bán vì vướng chính sách. “Còn tầng giữa là không bán thẳng tôm cho thương lái, mà đầu tư để chế biến các sản phẩm hay suất ăn. Nông dân giờ làm luôn công việc của thương lái hay doanh nhân”, ông Mỹ nói.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ (trái) tư vấn chuyển đổi số cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Vũ Đình Hà, thị trấn Bình Đại, Bến Tre.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2021 Việt Nam xuất khẩu tôm đạt hơn 3,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 4% so với năm 2020. Chuỗi giá trị của ngành tôm hơn 75% lệ thuộc vào thương lái. Thức ăn cho tôm chiếm 55-60% chi phí sản xuất. Vì thế, lợi nhuận ngành chủ yếu chảy vào túi các công ty sản xuất thức ăn cho tôm của nước ngoài, vì Việt Nam gần như phải nhập khẩu 100% nguyên liệu sản xuất.

Ứng dụng Rynan Mekong cài đặt trên điện thoại di động thông minh, giúp người nuôi giám sát và điều khiển từ xa sức khỏe con tôm, chất lượng nước… qua màn hình điện thoại. Máy cho tôm ăn thông minh có ba chế độ hoạt động thủ công, tự động và kết hợp với thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI). Các chế độ này sẽ kết hợp với thiết bị quan trắc, cảm ứng đo chất lượng môi trường, sức khỏe tôm, cá để định ra lượng thức ăn trong ngày, giúp tiết kiệm 20% thức ăn. Tôm nuôi trong mô hình có thể truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn an toàn tôm sạch và có thể xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Bán tôm hay bán điện mặt trời riêng lẻ thì dễ rồi. Nhưng có thể làm tốt hơn. “Bởi còn phải làm thêm một cuộc cách mạng để giải phóng con tôm và người nông dân khỏi chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Mỹ nói.

Với mô hình nuôi khép kín, tôm có thể thu hoạch hàng ngày chứ không phải 100 ngày mới thu hoạch. Thị trường tiêu dùng trong nước có sức mua đến 1 tỉ đô la mà người nuôi cũng như doanh nghiệp Việt chưa chú trọng, nhất là khâu chế biến. “Tôm có thể làm món kho tiêu, cà ri, xào đậu ve… Thay vì bán lúa thôi thì giờ bán cơm. Tôi còn có cả máy bán các suất ăn tự động nữa”, ông Mỹ giải thích.

Nhưng không phải ai cũng có tiền làm!

Mô hình của Rynan Technolgies được giới thiệu hồi tháng 6-2021 tại hội chợ thủy sản ở Cần Thơ trước khi TPHCM và các tỉnh phía Nam bị phong tỏa kéo dài vì dịch Covid-19. Lúc đó, ông Mỹ nói “mới làm nên chưa ai biết mình nhiều” và chỉ thử ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hơn năm sau, ý tưởng và mô hình của Rynan Technologies vẫn chưa thật sự bức phá.

“Một hợp tác xã nuôi tôm có thể làm được. Chúng tôi có thể liên kết, bán đứt, cho thuê hoặc trả chậm các thiết bị rồi máy đóng gói, máy bán tôm, máy bán đồ ăn… Cái cần là phải có ngân hàng đồng hành”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Theo tính toán của GreenID, đầu tư cho một trang trại điện mặt trời cùng công suất và diện tích trong nông nghiệp có giá thành cao ít nhất 2-2,5 lần giá trang trại điện mặt trời áp mái.

Vậy là tầng trên cùng và tầng giữa của mô hình ba tầng của ông Mỹ vẫn còn bỏ lửng…

Song Hảo

Nguồn https://thesaigontimes.vn/kiem-them-tien-duoi-tam-pin-mat-troi/