Tối 18/9, tại buổi thảo luận trực tuyến “Hai giải pháp tái sản xuất hiệu quả”, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã chia sẻ với các doanh nghiệp về một giải pháp xét nghiệm giải pháp giúp giảm chi phí đúng cách.
Bài toán chi phí cho các doanh nghiệp muốn tái sản xuất
Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trong suốt nhiều tháng qua đang phải gồng gánh với nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí xét nghiệm cho các nhân viên. Sắp tới, khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp sẽ tái sản xuất và kinh doanh, thì bài toán về chi phí xét nghiệm càng cần được giải quyết.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh, với số nhân viên là 350 người. Theo đó, mỗi tháng doanh nghiệp của ông tốn 240 triệu đồng/tháng cho xét nghiệm và phải ngừng sản xuất vài ngày. Việc này dẫn đến công ty tốn mỗi tháng khoảng 5-6 tỷ đồng cho tổng các chi phí phát sinh.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang xét nghiệm 3 ngày/lần và tốn hàng trăm triệu đồng. Hơn nữa, nhiều nhà máy có số nhân viên lên đến hàng nghìn người thì chi phí xét nghiệm có thể lên tới tiền tỷ mỗi tháng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã áp dụng mô hình xét nghiệm CNOK mới vào công ty Mỹ Lan giúp giảm đi chi phí đáng kể. Theo đó, mô hình xét nghiệm mới này đã giúp công ty chỉ tốn 72,8 triệu đồng/ tháng nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả cao.
Mô hình xét nghiệm mới của TS Nguyễn Thanh Mỹ giúp giảm thiểu chi phí xét nghiệm. Ảnh chụp màn hình
Mô hình CNOK tiết kiệm chi phí nhưng vẫn hiệu quả
Ông Mỹ khuyến nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình CNOK. Trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động, và K là kinh tế.
Đây là phương thức kết hợp sử dụng toán học để giải quyết bài toán chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, phương pháp của ông là xét nghiệm phân chia theo tổ, rồi xét nghiệm người đại diện của từng phân tổ hàng ngày.
Chi tiết phương thức lẫy mẫu CNOK của TS Nguyễn Thanh Mỹ. Ảnh chụp màn hình
Số tổ được phân chia bằng cách lấy số nhân viên chia cho 28. Giải thích cho con sỗ 28 này, TS Nguyễn Thanh Mỹ nói rằng đây là 2 chu kỳ ủ bệnh của virus Covid-19. Sau đó, mỗi ngày công ty sẽ tiến hành xét nghiệm đại diện cho 1 người trong phân tổ.
Theo đó, công ty Mỹ Lan có 350 nhân viên sẽ chia làm 13 tổ với 12 tổ công nhân, mỗi phân tổ 28 người và 1 phân tổ với 14 người cho các đối tượng có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ hoặc tài xế, những người ở vòng ngoài.
Kế hoạch sống chung với Covid-19 mà TS Nguyễn Thanh Mỹ kiến nghị với các doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh. Ảnh chụp màn hình.
Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, với việc sống chung với Covid-19 trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp có thể áp dụng thêm CNOK và xét nghiệm kháng thể định kỳ hàng năm thêm vào chu trình xác định các ca nhiễm.
Đồng thời, công ty có thể sử dụng quét mã vạch và camera hồng ngoại để sàng lọc được những người có thân nhiệt cao trên 38º. Sau đó, những nhân viên đó sẽ được tiến hành xét nghiệm kháng nguyên để xem có bị nhiễm Covid-19 hay không.
TS Nguyễn Thanh Mỹ cho biết xét nghiệm kháng thể định kỳ hàng năm được thêm vào chu trình xét nghiệm sức khỏe định kỳ hàng năm, với mức khoảng 380.000 VNĐ/mẫu. “Việc này giúp xác định số lượng kháng thể trong người nhân viên có còn đủ để giúp chống lại khi bị nhiễm Covid hãy không. Nếu thiếu thì công ty sẽ tiêm ngừa thêm”, ông kết luận.
Đặng Sơn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nguồn: https://cafef.vn/tien-si-viet-kieu-canada-hien-ke-mo-hinh-xet-nghiem-giup-doanh-nghiep-tiet-kiem-ca-ty-dong-20210919094535454.chn