Blog

VẤN NẠN THUỐC TRỪ SÂU TẠI VIỆT NAM

Việt Nam, một vùng đất màu mỡ và trù phú với nền kinh tế nông nghiệp phát triển, hiện đang đứng trước mối nguy khôn lường từ việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp. 

Trong bối cảnh nhu cầu lương thực toàn cầu không ngừng tăng cao, thuốc trừ sâu đã thâm nhập sâu vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, được người nông dân sử dụng trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu cung ứng thực phẩm liên tục phát triển của xã hội. Đứng trước thực trạng đó, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có cách nào để thoát khỏi sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu?

(Nguồn: https://laodong.vn/photo/mu-cang-chai-dep-tua-tranh-qua-cac-mua-894962.ldo)
Lấm tấm trên những cánh đồng bậc thang bát ngát của vùng đồi núi miền Bắc Việt Nam là những vành nón lá của những người nông dân Việt ngày ngày cần mẫn cày cấy. Với bàn tay chai sạn và tấm lòng kiên trì, họ đã biến những mảnh đất chưa được khai phá trở thành những ruộng đồng trù phú. Qua bao đời nay, người nông dân Việt đã và đang canh tác không biết mệt mỏi, mang lại sự trưởng thành vượt bậc cho ngành nông nghiệp nước nhà. Việt Nam đã từ một nước nhập khẩu thành nền nông nghiệp xuất khẩu lớn, là vựa sản xuất gạo lớn thứ năm thế giới và sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ ba toàn cầu, đồng thời cũng có sản lượng xuất khẩu cà phê, thuỷ sản, hồ tiêu cao hàng đầu thế giới. Với sản lượng nông nghiệp lớn, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn nạn lạm dụng thuốc trừ sâu. Các thói quen canh tác lâu đời, thiếu cải tiến đã dẫn đến việc lạm dụng thuốc trừ sâu ở mức độ cao, gây ra những mối nguy hại nghiêm trọng cho sự an toàn thực phẩm tiêu thụ chính thị trường trong nước. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn có thể để lại những tác động lâu dài đến nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia. Nỗ lực và đánh đổi để đáp ứng nhu cầu lương thực tăng cao Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với môi trường và địa lý thuận lợi, đặc biệt là hệ thống sông ngòi chằng chịt và giàu phù sa, tạo điều kiện lý tưởng cho nhiều khu vực phát triển canh tác nông nghiệp. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, nhờ các hiệp định tự do thương mại, hoạt động canh tác bắt đầu nhen nhóm phát triển. Đến những năm 1990, hàng loạt chính sách tăng gia sản xuất được ban hành, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là từ các hộ dân nhỏ lẻ, đóng góp vào bức tranh kinh tế nông nghiệp ngày càng khởi sắc của đất nước.


(Nguồn: https://toplist.vn/top/hinh-anh-nguoi-nong-dan-cay-lua-726.htm)
Người dân không ngừng thi đua canh tác, biến những vùng khô cằn đầy sỏi đá dần trở nên xanh tươi bởi hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, như một hệ quả tất yếu, sâu bệnh cũng phát triển và lan rộng trên các vùng đất nông nghiệp do thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt ở những khu vực có khí hậu khắc nghiệt. Điều này tạo cơ hội cho việc lạm dụng các chất hóa học nông nghiệp. Một ví dụ điển hình là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người nông dân sử dụng nhiều, đến mức gần như lạm dụng, các loại phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Sự nóng lên toàn cầu dẫn đến các hiện tượng như xâm nhập mặn và sự suy giảm diện tích đất nông nghiệp, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Trước sự ảnh hưởng của sâu bệnh, dịch hại và những hậu quả của biến đổi khí hậu, người nông dân Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các hóa chất để bảo vệ cây trồng và diệt sâu rầy, hy vọng có được vụ mùa bội thu để nuôi sống gia đình. Vấn nạn lạm dụng thuốc trừ sâu Việt Nam có một thị trường thuốc trừ sâu khổng lồ. Tiềm năng phát triển nông nghiệp dồi dào đã biến Việt Nam thành mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn hóa chất nông nghiệp đa quốc gia, tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn. Ngoài việc nhập khẩu chính ngạch, một lượng lớn thuốc trừ sâu còn được đưa vào Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc. Theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu đã vượt quá 1 tỷ USD vào năm 2017 và đạt 939 triệu USD vào năm 2018. Trong vòng ba thập kỷ, kể từ năm 1990, lượng thuốc trừ sâu sử dụng đã tăng gấp mười lần, lên tới hơn 100.000 tấn mỗi năm. Những con số này không chỉ đáng báo động mà còn phản ánh một thực trạng nghiêm trọng: việc mua bán thuốc trừ sâu quá dễ dàng với mức giá rẻ đã khiến người dân liên tục sử dụng mà không có kiến thức về liều lượng chính xác. Hậu quả của việc lạm dụng hóa chất không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn đe dọa sự bền vững của nền nông nghiệp và môi trường Việt Nam.

Liệu lỗi có phải do nông dân?
Áp lực đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đè nặng lên vai người nông dân. Đứng trước mục tiêu xuất khẩu nông sản không ngừng tăng trưởng trong bối cảnh canh tác đầy khó khăn, người nông dân tìm đến thuốc trừ sâu như một giải pháp hiệu quả tạm thời để bảo vệ cây trồng và đảm bảo sản lượng đầu ra. Tuy nhiên, qua thời gian dài, hệ sinh thái ở các khu vực nuôi trồng dần mất cân bằng do toàn bộ các loài thiên địch có lợi cũng bị tiêu diệt cùng với sâu hại. Điều này dẫn đến vòng phòng hộ tự nhiên trước sâu rầy bị suy yếu, khiến sâu rầy bùng phát trở lại mạnh mẽ và lan rộng hơn trước. Người nông dân địa phương thường ước lượng lượng thuốc trừ sâu dựa trên kinh nghiệm cá nhân, kiến thức thị trường, truyền miệng từ những nông dân khác, hoặc từ quảng cáo và tư vấn của nhân viên thị trường của các đơn vị bán thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, thông qua quá nhiều lớp trung gian, người dân khó nắm được liều lượng khuyến cáo chính xác, thường bỏ qua các khuyến cáo về các chất cấm trong lúc pha trộn thuốc. Một số nông dân còn sử dụng các sản phẩm thay thế từ những nhãn hàng không có thương hiệu, nhãn mác nhập lậu qua đường tiểu ngạch nhằm cắt giảm chi phí. Các sản phẩm này thường có chất lượng thấp, rất có hại cho môi trường và để lại dư lượng lớn trên nông sản, gây nguy hiểm khi người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, nhiều nông dân cũng đối mặt với mối nguy hại đến sức khỏe do nhiễm độc từ thuốc trừ sâu khi phun thuốc mà không mang đồ bảo hộ. Việc thiếu kiến thức và trang thiết bị bảo hộ phù hợp đã dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm độc và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đứng trước áp lực phải bán được nông sản với giá cao và đáp ứng nhu cầu của thương lái, nhiều người nông dân đã buộc phải bỏ qua những tác hại mà thuốc trừ sâu có thể gây ra cho môi trường và sức khỏe. Họ làm như vậy để đảm bảo nguồn sinh nhai cho bản thân và gia đình.

Những tác hại lâu dài khôn lường của thuốc trừ sâu
Bên cạnh các tác hại trực tiếp, hậu quả của việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mức càng trở nên nghiêm trọng hơn khi phần lớn người nông dân không xử lý chai, lọ thuốc trừ sâu đúng quy trình sau khi dùng hết. Các chai, lọ này vẫn còn dư lượng chất độc lớn, khi bị thải bừa bãi ra môi trường, có khả năng gây độc cho đất và nguồn nước xung quanh. Tệ hơn
nữa, điều này có thể gây hại đến các vật nuôi khác cũng như các loài động vật dưới nước. Dư lượng thuốc trừ sâu cũng thấm vào đất, kênh, rạch, gây nên sự mất cân bằng và thậm chí huỷ hoại hệ sinh thái đất và nước tự nhiên xung quanh.


(Nguồn: https://baolongan.vn/bai-2-rac-thai-nong-nghiep-nguy-hai-nhung-chua-duoc-xu-ly-a37313.html)
Hậu quả của dư lượng thuốc trừ sâu tồn đọng quá mức trong đất trồng có thể biểu hiện rõ ràng qua các vụ mùa sau, khi năng suất cây trồng giảm dần mà không có dấu hiệu cụ thể. Khi lượng thuốc trừ sâu thấm vào đất và đến tầng nước ngầm, nguồn nước dân dụng cũng có khả năng bị nhiễm độc, gây hại cho cộng đồng sinh sống xung quanh. Nhiều khu vực canh tác đã thấy rõ hậu quả của dư lượng thuốc trừ sâu quá mức: đất trồng mất đi độ màu mỡ, dễ bị xói mòn, không giữ được dưỡng chất, gây thất thoát lớn cho vụ mùa. Hệ sinh thái đất bị suy thoái, khiến cây trồng không phát triển tốt như trước. Các vấn đề môi trường và ngộ độc thực phẩm cũng đã bùng nổ trong cộng đồng, gây lo ngại về an toàn sức khỏe. Thêm vào đó, tình trạng sâu rầy kháng thuốc ngày càng gia tăng, làm cho việc kiểm soát dịch hại trở nên khó khăn hơn. Nông dân phải sử dụng lượng thuốc trừ sâu lớn hơn để kiểm soát sâu bệnh, tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, gây hoang mang cho nhiều người dân. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sống của cộng đồng.

Lối thoát nào khỏi “cuộc khủng hoảng” thuốc trừ sâu?
Qua nhiều thập kỷ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến nông nhưng còn thiếu các điều luật giới hạn tác hại môi trường cũng như an toàn thực phẩm do thuốc trừ sâu gây ra. Sự bất cập từ những thiếu sót này dần rõ nét hơn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, khi giá thành vật tư đầu vào cho thuốc trừ sâu cao, thu hẹp khoảng lợi nhuận của nông dân. Ngân hàng Thế Giới đã đề cập đến việc Việt Nam thiếu sót các chính sách kiểm soát chặt chẽ lượng thuốc trừ sâu trên nông sản cũng như các chính sách hỗ trợ hộ làm nông, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ. Các chứng chỉ bảo chứng chất lượng như Good Agricultural Practices (GAP) và Global G.A.P chỉ được khuyến khích chứ không bắt buộc. Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ và ưu đãi để khuyến khích nhiều nông hộ chuyển hướng sang canh tác bền vững hơn, hướng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu để đăng ký chứng chỉ an toàn thực phẩm, bảo chứng về cả chất lượng và giá trị bền vững của nông sản.
Giấy chứng nhận GAP có thể giúp người nông dân tăng giá trị cho nông sản của họ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường nông sản thế giới. Điều này không chỉ cải thiện thu nhập và đời sống của người nông dân mà còn nâng cao chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thuốc trừ sâu là một trong các tác nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, người dân cần được ghi nhận và khuyến khích khi có những nỗ lực canh tác thực phẩm hữu cơ hoặc canh tác an toàn, bền vững. Đổi lại, nông sản của họ sẽ có giá trị cao hơn, giúp tăng giá trị xuất khẩu của nông sản Việt.
Trong một báo cáo năm 2023, khoảng ⅔ các nông hộ được khảo sát cho rằng họ cần nhiều sự hỗ trợ về mặt nhân công, cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn tài chính tốt hơn để nâng cao an toàn thực phẩm. Mặc dù có Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế kiểm định an toàn thực phẩm bài bản, đáng tin. Tuy nhiên, ngày 7/3/2024, Việt Nam đã chính thức công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22000:2018 về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nâng cao hiệu quả nhân công, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ tiêu chuẩn này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đẩy mạnh giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 mang đến một cơ chế minh bạch, tập trung và thiết thực hơn, cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong suốt chuỗi cung ứng.
Ngày càng nhiều tiêu chuẩn và cơ quan chức năng ra đời nhằm bảo vệ và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, tạo cơ hội cho người nông dân Việt Nam tiếp cận với nguồn thông tin về tác hại của thuốc trừ sâu và các khuyến cáo sử dụng an toàn hơn. Trong quá trình này, họ cũng sẽ tiếp cận với các phương pháp canh tác tiên tiến như canh tác chính xác, canh tác hữu cơ và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân là Hệ thống Giám sát Côn trùng Thông minh RYNAN® (RYNAN® IMS). Hệ thống này thu thập và tổng hợp dữ liệu về sâu rầy, giúp xây dựng bản đồ phân bố dịch hại. Dựa vào bản đồ này, nông dân có thể quản lý dịch bệnh sinh học một cách hiệu quả, giới hạn tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phòng tránh các tác hại môi trường ngay từ gốc rễ.
Nhằm chung tay đạt được các mục tiêu kinh tế được đề ra trong khi đảm bảo an toàn thực phẩm bền vững, các phương pháp như quản lý dịch bệnh sinh học, canh tác chính xác, và canh tác hữu cơ chỉ là một trong rất nhiều phương pháp quản lý sâu hại khác được áp dụng trên khắp Việt Nam. Những phương pháp này giúp giảm thiểu tác hại của ngành nông nghiệp đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Viễn cảnh tương lai tươi đẹp này, tất nhiên, phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của nông dân về cách sử dụng thuốc trừ sâu. RYNAN® IMS hiện đã được lắp đặt tại hơn 130 điểm trên khắp Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, giúp người nông dân xem thông tin chính xác về mật độ sâu rầy, quản lý việc sử dụng thuốc trừ sâu chính xác và hiệu quả. Để tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để chúng tôi có thể cùng đồng hành với bạn trên công cuộc kiến tạo một nền nông nghiệp bền vững và an toàn cho tất cả mọi người.

Người viết: Jillian Wong
RYNAN® Smart Agriculture Vietnam dịch sang tiếng Việt